Hậu quả Cách_mạng_Zanzibar

ASP và Umma thành lập một Hội đồng Cách mạng, hoạt động trong vai trò một chính phủ lâm thời. Karume đứng đầu hội đồng với chức vụ tổng thống, còn Babu giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao.[19] Quốc hiệu được đổi thành Cộng hòa Nhân dân Zanzibar và Pemba;[1] các hành động ban đầu của tân chính phủ là trục xuất vĩnh viễn Quốc vương và cấm chỉ ZNP cùng ZPPP.[3] Nhằm giữ khoảng cách với Okello bốc đồng, Karume lặng lẽ gạt nhân vật này khỏi chính trường, song vẫn cho ông ta giữ lại tước nguyên soái tự phong.[1][19] Tuy nhiên, những nhà cách mạng của Okello nhanh chóng khởi đầu các vụ trả thù chống cư dân người Ả Rập và người Á tại Unguja, tiến hành hành hung, hiếp dâm, tàn sát, và tấn công tài sản.[1][19] Okello tuyên bố trên sóng phát thanh là đã giết hoặc tống giam hàng chục nghìn "kẻ thù và bù nhìn",[1] song ước tính thực tế về số người thiệt mạng rất khác nhau, từ "hàng trăm" cho đến 20.000. Một số báo chí phương Tây đưa ra số liệu 2.000–4.000;[20][21] các số liệu cao hơn có thể do truyền thông của Okello thổi phồng và được tường thuật cường điệu trên một số cơ quan truyền thông phương Tây và Ả Rập.[1][4][22] Việc sát hại các tù nhân người Ả Rập rồi chôn họ trong các ngôi mộ tập thể được một đoàn làm phim Ý ghi lại từ một máy bay trực thăng trong quá trình thực hiện Africa Addio, và cảnh phim này là tư liệu thị giác duy nhất về các vụ tàn sát.[23] Nhiều người Ả Rập chạy sang Oman lánh nạn,[4] trong khi theo lệnh của Okello đã không có người Âu nào bị làm hại.[19] Bạo lực hậu cách mạng không lan sang Pemba.[22]

Đến ngày 3 tháng 2, Zanzibar cuối cùng đã trở lại bình thường, và Karume được nhân dân phổ biến công nhận là tổng thống của họ.[24] Cảnh sát hiện diện trở lại trên đường phố, các cửa hàng từng bị cướp bóc nay mở cửa trở lại, và thường dân nộp lại các vũ khí không có giấy phép.[24] Chính phủ cách mạng công bố rằng 500 tù nhân chính trị sẽ được các phiên tòa đặc biệt xét xử. Okello thành lập Lực lượng vũ trang Tự do (FMF), một đơn vị bán quân sự hình thành từ các ủng hộ viên của ông, họ tuần tra đường phố và cướp bóc tài sản của người Ả Rập.[25][26] Hành vi của các ủng hộ viên của Okello, cách thức hùng biện bạo lực, khẩu âm Uganda, và đức tin Cơ Đốc của ông ta làm nhiều người trong ASP (phần lớn là người Zanzibar ôn hòa và là tín đồ Hồi giáo) xa lánh,[27] và đến tháng 3 nhiều thành viên trong FMF của ông bị tước vũ khí bởi các ủng hộ viên của Karume và dân quân Đảng Umma. Ngày 11 tháng 3, Okello chính thức bị tước bỏ cấp bậc nguyên soái,[26][27][28] và bị từ chối nhập cảnh khi nỗ lực trở về Zanzibar sau một hành trình sang đại lục châu Phi. Ông bị trục xuất đến Tanganyika và sau đó đến Kenya, rồi trở về quê hương Uganda.[27]

Trong tháng 4, chính phủ thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và hoàn toàn tước vũ khí tàn dư dân quân FMF của Okello.[27] Ngày 26 tháng 4, Karume công bố rằng một liên hiệp đã được đàm phán với Tanganyika để hình thành quốc gia mới Tanzania.[29] Truyền thông đương thời nhận định sự kiện hợp nhất là một phương thức ngăn ngừa thế lực cộng sản tiến hành lật đổ tại Zanzibar; có ít nhất một sử gia cho rằng đó có thể là một nỗ lực của nhân vật xã hội chủ nghĩa ôn hòa Karume, nhằm hạn chế ảnh hưởng của Đảng Ummna tả khuynh cấp tiến.[25][29][30] Tuy nhiên, chính phủ thông qua nhiều chính sách xã hội chủ nghĩa của Đảng Umma về y tế, giáo dục, và phúc lợi xã hội.[22]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cách_mạng_Zanzibar http://www.smh.com.au/national/obituaries/israeli-... http://books.google.com/?id=-U8BL-tEPLwC http://books.google.com/?id=9yCSamtUeiAC http://books.google.com/?id=Ftz_gtO-pngC http://books.google.com/?id=FxUCbQeKjogC http://books.google.com/?id=KoLbjlIYLzwC http://books.google.com/?id=Zg5hipdurBkC http://books.google.com/?id=oVrVK2ElINMC http://kurayangu.com/ipp/guardian/2006/01/23/58381... http://select.nytimes.com/gst/abstract.html?res=F1...